Đừng lãng phí năng lượng mặt trời

Hơn lúc nào hết, việc tăng cường sử dụng các năng lượng sạch, tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời là yêu cầu cấp bách nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Theo nghiên cứu, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm là 1.400 đến 3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230 đến 250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam.

dung-lang-phi-nang-luong-mat-troi
Hiện nay, điện năng lượng mặt trời đang được sử dụng trên các quần đảo, đảo mà điều kiện địa lý không thể đưa điện lưới quốc gia ra. Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà cũng được lắp đặt hệ thống pin mặt trời. Ngày càng nhiều người sử dụng hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời, thậm chí, một số hệ thống chiếu sáng công cộng cũng được sử dụng bằng năng lượng mặt trời. Dự án điện mặt trời lại thi công lắp đặt đơn giản, tốn ít chi phí bảo dưỡng hơn, có thể chủ động lắp đặt ở những vùng núi, hải đảo xa xôi. Điều quan trọng hơn, nếu phát triển điện mặt trời trên quy mô lớn thì chúng ta sẽ có thêm một ngành công nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời mà hiện các nước tiên tiến sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ. Thực tế cho thấy, các nước muốn phát triển điện mặt trời đều phải có chiến lược tổng thể phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời có sự ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước.
Mặc dù vậy, công nghệ điện mặt trời tại Việt Nam hiện vẫn là loại hình công nghệ mới, chủ yếu là các dự án thí điểm, chưa nối lưới, chưa có dự án thương mại do trở ngại lớn về giá thành cao, suất đầu tư lớn và chưa có cơ chế riêng về giá bán để bảo đảm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ngay cả các nước chung quanh, giá mua điện mặt trời cũng đã ở mức 17 đến 18 xen/kW giờ (hơn 3.400 đến gần 4.000 đồng). Quá trình rà soát và cập nhật tiềm năng, trữ lượng tài nguyên và khả năng cung cấp nhiên liệu phát điện cho thấy, các nguồn điện năng hiện tại sẽ được khai thác tối đa và thiếu hụt so với nhu cầu. Sau năm 2020, Việt Nam sẽ chuyển thành nước nhập khẩu năng lượng lớn và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu tăng cao.
Chính vì thế, Chính phủ đã xác định, công nghệ điện mặt trời là loại hình năng lượng sạch, nằm trong lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, là công nghệ mới, các đặc thù riêng. Tuy nhiên, để cụ thể hóa chủ trương khuyến khích, ưu tiên này, cần thiết phải ban hành một quy chế pháp lý, minh bạch hóa thủ tục đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn điện mặt trời trong thời gian tới. Trong chiến lược phát triển năng lượng cho đất nước, cần phải ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, tăng tỷ lệ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với mức không đáng kể như hiện nay lên 5,6% vào năm 2020 và 9,4% năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó ưu tiên, tạo điều kiện cho các dự án điện mặt trời được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế (thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu thiết bị…), mặt bằng, thủ tục…, trong đó điều quan trọng là giải quyết cơ chế về giá mua bán điện giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rõ về quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án, việc đấu nối dự án vào hệ thống điện cho các đối tượng đầu tư. Cơ chế này cũng xác định rõ trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời, hợp đồng mua bán điện, ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, ưu đãi về đất đai. Đặc biệt là giá điện của các dự án và cả ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án không nối lưới.
Nguồn: Nhandan
Lên đầu trang